Đây là phần tiếp theo của bài viết: Kỹ thuật chăn nuôi gà hiệu quả – Phần 1

3. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng
Nên vận chuyển gà con vào lúc trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối để tránh nhiệt độ môi trường ảnh hưởng đến gà con. Sau khi đưa gà vào chuồng úm thì cho gà uống nước pha Vitamine C hoặc Electrotyle. Chỉ cho gà ăn tấm hoặc tấm nấu, bắp nhuyễn ngâm sau khi gà nở ít nhất là 12 giờ, cho ăn như vậy trong 2 ngày. Sang ngày thứ 3 thì có thể pha dần với thức ăn công nghiệp hoặc trộn phụ phế phẩm.
Để phòng bệnh cầu trùng cho gà, trộn thuốc Rigecoccin vào trong thức ăn cho gà từ ngày thứ 7 trở đi, dùng 1 gr thuốc/10 kg thức ăn (hoặc dùng Sulfamid trộn vào thức ăn với tỷ lệ 5%). Vệ sinh lồng úm, thay giấy lót chuồng và dọn phân gà con mỗi ngày.
Máng ăn, máng uống cần vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Đồng thời quan sát, nếu phát hiện gà ủ rũ thì phải cách ly ngay để theo dõi.
Dùng bóng đèn tròn 100W úm cho 1m2 chuồng có che chắn xung quanh để giữ nhiệt, tùy theo thời tiết nóng lạnh mà tăng giảm lượng nhiệt bằng cách thay đổi độ cao của bóng đèn.
Quan sát thấy nếu đàn gà con nằm chen chúc quanh bóng đèn là gà bị lạnh, gà cố gắng tản xa bóng đèn là nóng, nằm chen ở góc chuồng là bị gió lùa và gà đi lại ăn uống hoạt động tự do là nhiệt độ thích hợp. Cần thắp sáng suốt đêm cho gà trong giai đoạn úm để gà ăn nhiều thức ăn hơn và phòng chuột, mèo.
Thường xuyên quan sát biểu hiện của đàn gà để kịp phát hiện và xử lý những bất thường xảy ra. Nên cho gà uống nước pha Electrolyte hoặc Vitamine C khi thời tiết thay đổi hay giao mùa.
Do tập tính của gà thường có thói quen uống nước cùng lúc với ăn, nên đặt máng ăn gần máng uống để gà được uống nước đầy đủ mà không uống nước bẩn ở những chỗ khác.
Đối với gà đẻ cần cắt phần sừng ở mỏ để giảm hiện tượng cắn mổ nhau vào tuần 6-7. Đối với gà thịt thì không cần.
Chú ý: Tách gà con, gà giò, gà trưởng thành thành các chuồng khác nhau và phải sát trùng toàn bộ dụng cụ trước khi nuôi đợt gà mới.
4. Thức ăn cho gà

Gà là một trong số con vật nhạy cảm, nên phải thường xuyên kiểm tra khu vực nuôi, tuyệt đối không để gà ăn các thức ăn bị ôi mốc, thối rữa. Khẩu phần ăn của gà sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng các phụ phế phẩm công nông nghiệp. Đảm bảo thức ăn đủ các thành phần: năng lượng, vitamin, đạm và khoáng. Đối với gà đẻ, nên khống chế lượng thức ăn và chất lượng thức ăn để gà không bị béo, làm giảm năng suất trứng.
– Vấn đề vitamin và khoáng chất đối với gà thả vườn không quan trọng bằng gà nuôi nhốt, chúng biết tự tìm kiếm theo nhu cầu của cơ thể và giai đoạn phát triển. Có thể nuôi thêm trùn đất và giòi để bổ sung đạm cho gà. Nên cho gà uống nước pha Electrolyte hoặc Vitamine C khi giao mùa hoặc thời tiết thay đổi.
– Sau khi gà qua giai đoạn úm: Ngày đầu tiên chỉ cho gà ăn tấm hoặc bắp nhuyễn và uống nước. Để thức ăn luôn thơm ngon, kích thích gà ăn thì mỗi lần chỉ rải một ít thức ăn. Có thể cho gà ăn thêm rau xanh để bổ sung vitamin. Tập dần cho gà ăn thức ăn công nghiệp vào những ngày kế tiếp. Cho gà ăn tự do và nhiều bữa trong ngày. Nếu sử dụng máng treo để cho gà ăn, phải đảm bảo gà ăn thoải mái, không rơi vãi thức ăn hay để chất độn chuồng lẫn vào.
Gà sống lâu hơn nếu luôn được cung cấp đủ nước. Nước cho gà uống phải sạch sẽ, không bị ô nhiễm.
Hướng dẫn cách cho gà ăn uống theo từng giai đoạn
Để chăn nuôi gà đạt hiệu quả cao, cần áp dụng đúng cách các phương pháp chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của gà như sau:
Giai đoạn gà từ mới nở cho tới 21 ngày tuổi
Lựa chọn loại thức ăn chuyên dành cho gà ở giai đoạn này. Thời giai đoạn này, gà thường ăn ít tuy nhiên ăn nhiều lần. Đảm bảo lượng thức ăn được phân bổ đều, mỏng ra khay với độ dày đủ ăn 1 lần cho gà, cứ cách khoảng 4 tiếng thì cho gà ăn. Cũng nên vệ sinh khay thức ăn để đảm bảo vệ sinh.
Với máng nước cho gà uống, khoảng 2 tuần đầu tiên nên dùng loại máng chứa khoảng 1,5 đến 2 lít nước. Sau đó đổi sang máng lớn hơn. Máng uống nước phải được kê cao hơn nền chuồng để tránh gà bới chất độn chuồng vào làm bẩn nước. Đặt máng nước xen kẽ với máng đồ ăn để thuận tiện việc ăn uống của gà. Mỗi ngày thay nước cho gà 2-3 lần.
Giai đoạn gà từ 21 cho tới 42 ngày tuổi
Giai đoạn này vẫn sử dụng thức ăn dành riêng cho gà. Ngoài ra có thể kết hợp với các loại nguyên liệu khác như gạo, lúa, rau xanh để bổ sung hàm lượng chất dinh dưỡng cho gà.
Kích cỡ máng ăn tính toán phù hợp với lượng thức ăn và mật độ gà cho phù hợp, có thể sử dụng loại mãng cỡ lớn. Đảm bảo máng ăn cao ngang với lưng của gà. Mỗi máng ăn dùng cho 30 đến 40 con và cho ăn từ 3 tới 4 lần một ngày.
Nên dùng máng uống nước loại từ 4 tới 8 lít. Đặt máng nước cách mặt nền khoảng 5cm. Mỗi máng nước dùng chp 100 con gà.
Giai đoạn gà thịt
Gà thường phát triển rất nhanh trong gian đoạn này. Bà con cũng cần chú ý một số điểm trong khi chăm sóc gà sau đây:
Gấp đôi lượng thức ăn sử dụng trong giai đoạn này. Ngoài ra, để gà lớn nhanh, chắc xương thì nên bổ sung thêm các loại rau xanh, chất đạm.
Đảm bảo đủ nước uống cho gà mọi lúc. Tăng lượng nước khi thời tiết nóng.
5. Vệ sinh phòng bệnh
Vệ sinh phòng bệnh là vấn đề rất quan trọng trong chăn nuôi bất kỳ gia súc hay gia cầm nào. Chuồng gà và vườn thả phải luôn khô ráo, sạch sẽ, dọn rác thường xuyên, không để ao tù nước đọng.
Trong chăn nuôi gà, để đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, bà con cần thực hiện một số công việc cơ bản sau đây:
- Dọn dẹp môi trường xung quanh như bụi rậm, để tránh rắn, chồn làm hại gà.
- Không đặt chuồng tại các vị trí khuất gió, ẩm mốc, ướt hoặc nước tù đọng.
- Sát trùng khu vực chăn nuôi gà định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ thú y.
- Sử dụng chất độn chuồng có độ tơi xốp và khô ráo.
- Độn chuồng bổ sung theo định kỳ để gia tăng thêm độ dày của nền chuồng.
- Vệ sinh máng uống nước, máng ăn sạch sẽ hàng ngày hoặc khi phát hiện bị bẩn.
- Tiêm văcxin cho gà theo đúng quy định phòng dịch của địa phương. Dùng kháng sinh để phòng bệnh cầu trùng cho gà.
Những nguyên nhân gây bệnh
Gà mới nở còn non yếu, dễ bị bệnh hoặc giống gà nhạy cảm với bệnh.
Thức ăn không cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn dễ làm gà mắc bệnh.
Nước uống bị ô nhiễm.
Không khí ô nhiễm, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.
Cơ thể gà có sức đề kháng kém.
Các biện pháp vệ sinh phòng bệnh
Vệ sinh phòng bệnh bằng cách:
- Thức ăn tốt.
- Nước sạch.
- Chọn con giống có sức đề kháng cao với bệnh tật.
- Chuồng nuôi sạch.
- Quanh chuồng nuôi phải phát quang để tránh động vật ăn thịt hoặc các yếu tố có hại khác.
- Thực hiện tốt quy trình vệ sinh phòng bệnh theo quy định của địa phương và bác sĩ thú y.
Phòng bằng Vaccine:

Lưu ý khi dùng vaccine phòng bệnh:
- Chỉ dùng khi đàn gia cầm khỏe.
- Lắc đều vaccine trước và trong khi sử dụng.
- Vaccine mở ra cần dùng luôn trong ngày, nếu thừa phải hủy bỏ.
- Dùng các loại thức ăn chứa nhiều vitamin để bồi dưỡng sức đề kháng cho gà.
Phòng bằng thuốc:
- Bệnh ở đường tiêu hóa: Oxyteracilin, chloramphenicol…
- Bệnh đường hô hấp: Tylosin, Tiamulin,…
- Mỗi liệu trình phòng bệnh không cần kéo dài, khoảng 3-4 ngày là đủ.
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi gà bệnh trong khi gà đẻ trứng. Chích ngừa lại các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, Gumboro cho đàn mái đẻ sau mỗi 6 tháng đẻ.
Xem thêm các bài viết trong cùng chuyên mục: