Chim trĩ là loài chim quý hiếm từ xa xưa, có giá trị dinh dưỡng cao được nuôi để tiến cống cho vua chúa. Theo Đông y, trứng chim trĩ rất bổ cho ngũ tạng, dùng bồi bổ sức khỏe rất tốt, nhất là đối với những trường hợp bị suy nhược cơ thể do công việc mệt mỏi dài ngày, phụ nữ sau khi sinh bị băng huyết, hoặc thiếu máu, đang nuôi con nhỏ. Thịt chim trĩ nhiều vitamin, có chứa hàm lượng protein cao tới 30%, cao hơn so với các loài gia cầm khác. Chim trĩ trong y học còn được sử dụng như một vị thuốc, dùng làm thức ăn cải thiện sức khỏe cho người già, phục hồi sức khỏe sau bệnh. Việc chăn nuôi, ấp chim trĩ vì thế rất được quan tâm.
Hiện nay việc chăn nuôi chim trĩ được phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc. Chim trĩ có thể sinh sản với năng suất cao, đạt khoảng 150 trứng một năm. Nhiều bà con đã tận dụng những lợi ích này để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi chim trĩ và thu lại lợi nhuận cao. Vậy nên hôm nay Máy Ấp Trứng Tuyên Quang xin chia sẻ quy trình ấp trứng chim trĩ để các bạn tiện tham khảo.
Với những bà con chưa có kinh nghiệm, chỉ ấp ở số lượng nhỏ và thử nghiệm. Khi đạt kết quả cao và ổn định mới nâng cấp lên quy mô lớn hơn, để giảm thiểu được chi phí nếu rủi ro có xảy ra. Ấp chim trĩ bằng con mái thường cho tỉ lệ nở rất thấp, nên sử dụng máy ấp trứng để những thông số nhiệt độ và độ ẩm được chính xác nhất.
Quy trình ấp chim trĩ
Trước khi cho trứng vào ấp bà con phải tiến hành loại bỏ những quả trứng vỡ, sứt, méo mó,…sau đó cho vào máy ấp. Kỹ thuật ấp trứng chim trĩ cũng đơn giản như ấp trứng gà, chỉ cần lưu ý các thông số nhiệt độ và độ ẩm là hiệu quả sẽ cao. Trứng chim trĩ nở sau 22 -23 ngày ấp.
Quy trình ấp trứng chim trĩ bằng máy ấp trứng được chia thành 4 giai đoạn:
+ Giai đoạn từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 8: Giai đoạn này là thời gian trứng hình thành phôi thai, hệ thần kinh và tuần hoàn. Giai đoạn này phôi cần nhiệt độ cao hơn bình thường để phát triển. Nhiệt độ máy ấp trứng nên để ở giai đoạn này là 37 độ C, độ ẩm khoảng 50%. Trong thời gian này kiểm tra nhiệt độ buồng ấp bằng nhiệt kế có sai số từ 37 đến 37,5 độ C là có thể chấp nhận được. Sau 6-7 ngày ấp bà con đem trứng ra soi để loại bỏ trứng không trống, trứng ung và có thể thay thế trứng mới vào máy.
+ Giai đoạn 8 ngày tiếp theo: Giai đoạn này trong phôi bắt đầu hình thành và phát triển nội tạng, da thịt. Phôi đã phát triển thành hình nên không cần nhiệt độ cao như giai đoạn đầu. Nhiệt độ thích hợp của buồng ấp trong giai đoạn này là 36,8 độ C, độ ẩm là 55%. Như các loại gia cầm khác, đây là giai đoạn giữa của quá trình ấp, tự bên trong quả trứng cũng đã có nhiệt phát ra. Bà con thường phải làm mát trứng khoảng 1 đến 2 ngày 1 lần, khi mang ra để khoảng 15p làm mát tự nhiên. Sau đó dùng bình xịt nhẹ xịt ướt đều lên bề mặt trứng hoặc nhúng trứng xuống nước rồi nhấc lên, để ráo tự nhiên 15 phút rồi lại cho vào máy ấp tiếp. Nếu thời tiết lạnh thì có thể bỏ qua giai đoạn làm mát. Bà con lưu ý không làm mát ngay khi vừa bỏ trứng ra khỏi máy, trứng có thể bị sốc nhiệt và chết.
+ Giai đoạn từ ngày thứ 15 đến khi chim trĩ khảy mỏ: Là giai đoạn hình thành da, lông chim. Bà con có thể cài đặt nhiệt độ thời gian này là 36,5 độ C, độ ẩm 60%. Lưu ý cần làm mát cho trứng 2 lần mỗi ngày, lúc giữa 11 đến 12 giờ trưa và lúc 2 đến 3 giờ chiều. Mỗi lần cho trứng nghỉ ấp khoảng 40 phút sau đó xịt nước, để chỗ mát khoảng 20 đến 30 phút cho trứng khô tự nhiên rồi cho vào ấp tiếp. Nếu trời rét có thể rút ngắn thời gian làm mát của trứng, dùng nước ấm (33 đến 35 độ C) để xịt lên bề mặt trứng, không dùng nước lạnh.
+ Giai đoạn chim trĩ khảy mỏ cho đến khi nở hoàn toàn.
Đến giai đoạn này, bà con ngắt chế độ đảo trứng. Nhiệt độ khoảng 36 độ C là thích hợp, độ ẩm 60%. Giai đoạn này trứng không cần làm mát nữa, nhưng cần theo dõi trứng thường xuyên và cẩn thận. Nếu thấy vỏ khô bết vào lông chim thì xịt lên trứng 1 ít nước để bổ sung độ ẩm cho chim non, không tự tách vỏ giúp chim mà để chim trĩ phát triển tự nhiên.
Khi trứng nở, để chim trong máy ấp khoảng 5 – 6 tiếng để cho chim khô lông, đi lại được thì mới chuyển sang lồng úm để chăm sóc.
Các trường hợp cần lưu ý và rút kinh nghiệm khi ấp trứng chim trĩ bằng máy:
Trường hợp 1: Chim trĩ con nở đều, đẹp, bắt đầu nở vào cuối ngày 22, nở rộ đến hết vào ngày 23, tỷ lệ nở đạt từ 90% trở lên thì bà con nên giữ nguyên cài đặt ban đầu.
Trường hợp 2: Chim trĩ con nở muộn bắt đầu vào ngày 24 hoặc muộn hơn.
Trường hợp này thường xuất hiện hiện tượng một số con chết lưu trong trứng, chim trĩ con nở ra bụng to, dáng đi khệ nệ, thậm chí một số con bị liệt chân. Nguyên nhân là do thiếu nhiệt độ trong quá trình ấp nên đến ngày nở mà nội tạng chưa được chuyển hóa hoàn toàn, lòng đỏ chư được tiêu hóa đủ.
Nếu chim nở lai rai tới 26 hoặc 27 ngày là do nhiệt độ các vị trí trong buồng ấp không đều.
Đây là các trường hợp nở muộn, liên quan đến việc thiếu nhiệt độ khi ấp, bà con vui lòng cài đặt tất cả các giai đoạn trong quá trình ấp tăng thêm 0.2 độ C nữa. Đồng thời kết hợp với việc thay đổi vị trí của trứng trong buồng ấp hàng ngày, tiếp tục theo dõi lứa tiếp theo.
Trường hợp 3: Chim trĩ con khẻ mỏ sớm vào ngày 20-21. Đây là trường hợp có nguyên nhân do nhiệt độ ấp quá cao.
Nếu có con nở sớm, kèm theo một số con chết lưu, hoặc một số con khẻ mỏ trào nước vàng ra miệng, nở lai rai là do nhiệt độ cao và không đều. Bà con nên chú ý đảo vị trí của trứng từ vị trí nóng hơn sang vị trí lạnh hơn hàng ngày, cũng thường xuyên kiểm tra nhiệt độ thực tế trong máy bằng nhiệt kế thủy ngân
Khắc phục: hạ nhiệt độ ấp trong máy ấp thấp hơn mức cũ 0.7 độ C, tiếp tục theo dõi lượt ấp tiếp theo.
Trường hợp 4: Các lứa đầu chim trĩ con nở đều đẹp, bỗng nhiên tỷ lệ nở và chất lượng con giống giảm đi không đạt như trước
Có một số lý do có thể làm thay đổi chất lượng nở của trứng, cụ thể như sau:
– Do đầu cảm biến nhiệt độ bị thay đổi vị trí nên đo nhiệt độ không chính xác. Bà con kiểm tra lại vị trí của đầu cảm biến nhiệt độ, chỉnh lại đúng vị trí do trong quá trình vận hành có thể vô tình làm đầu cảm biến lệch khỏi vị trí ban đầu.
– Do quạt làm mát bị hỏng dẫn tới không đẩy nhiệt độ đều trong máy.
– Do thay đổi thời tiết. Do nhiệt độ và độ ẩm không khí thay đổi dẫn tới giảm chất lượng nở. Bà con có thể căn cứ vào kết quả nở của lứa ấp mới bị giảm chất lượng để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Nếu chim trĩ nở sớm, có biểu hiện của sự thừa nhiệt độ thì giảm đi. Nếu nở muộn hơn, có biểu hiện của sự thiếu nhiệt thì cần tăng nhiệt độ lên.
– Do chế độ dinh dưỡng của chim trĩ mái thay đổi.
– Do tuổi của chim trĩ mái đã cao.
– Do sức khỏe của chim trĩ trống không đảm bảo.
Cách ấp trứng chim trĩ cũng gần như ấp trứng gà, bà con chỉ cần lưu ý điều chỉnh đúng chế độ nhiệt độ và độ ẩm là hiệu quả sẽ cao. Trên đây là cách ấp trứng chim trĩ hiệu quả nhất mà Máy Ấp Trứng Tuyên Quang chia sẻ, hy vọng sẽ giúp bà con nâng cao được năng suất và tăng hiệu quả kinh tế.
Chúng tôi rất quan tâm đến trải nghiệm của bà con – và rất muốn nghe thêm về suy nghĩ và kinh nghiệm của bà con. Bà con hãy đăng chúng trong phần bình luận dưới đây hoặc tham gia thảo luận tại Fanpage của Máy Ấp Trứng Tuyên Quang.