Trang chủ » Kỹ thuật chăn nuôi » Chăn nuôi ngan » Đặc điểm ngoại hình, sinh trưởng, sinh sản của ngan

Đặc điểm ngoại hình, sinh trưởng, sinh sản của ngan

Ngan hay vịt xiêm là loại gia cầm quen thuộc với bà con nông dân. Máy ấp trứng Tuyên Quang chia sẻ với quý bà con nông dân tài liệu chi tiết về đặc điểm của ngan: đặc điểm ngoại hình, sinh trưởng, sinh sản của ngan.

dac-diem-cua-ngan

Đặc điểm ngoại hình

Ngan có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được thuần hoá và đưa về nuôi ở một số nước trên thế giới như Anh, Pháp… Đặc điểm của ngan là có đầu nhỏ, trán phẳng, con trống mào to, rộng hơn con mái, màu đỏ tía. Khác với vịt, tiếng kêu của ngan khàn, có mồng thịt ở gốc mỏ màu đỏ rượu vang kéo dài đến tận mang tai, mắt sáng, dáng đi nặng nề và chắc chắn, cơ thể nằm ngang. Mỏ của ngan dẹt, để xúc thức ăn dưới nước và đưa vào miệng dễ dàng. So với vịt, tính bầy đàn của ngan kém hơn, hiền lành và chậm chạp hơn.

Đặc điểm sinh trưởng của ngan

Ngan có sức lớn mạnh nhất từ lúc mới nở đến 2 tháng tuổi và đặc biệt khác với vịt hay gà là ngan trống lúc 3 tháng tuổi lớn gần gấp đôi ngan mái. Lúc này con trống nặng 2,9-3,0 kg, trong khi con mái chỉ nặng 1,7-1,8 kg. Tốc độ sinh trưởng của ngan giảm dần từ tuần thứ 10 trở đi. Nhờ vào đặc điểm này, người nuôi ngan có kinh nghiệm thường chọn con trống lúc mới nở để nuôi thịt.

Ngan mọc lông đầy đủ vào tuần thứ 11 hay tuần 12. Do vậy có những trận mổ nhau dữ dội vào tuần tuổi thứ 7 do thiếu hụt về protein, photpho. Với ngan sinh sản; Sự thay lông vào tháng tuổi thứ 4-5. Sau khi thay lông xong, ngan bắt đầu vào đẻ. Trong quá trình sinh sản, khi ngan ấp, một phần lông của ngan mẹ được thay gọi là thay lông từng phần, còn thay lông toàn phần thường xảy ra vào tháng 10-11 hàng năm trước khi ngan bước vào vụ đẻ.

Đặc điểm sinh sản của ngan

Nếu được nuôi tốt, ngan có thể đẻ quanh năm, nhưng tốt nhất là điều tiết cho ngan đẻ từ đầu tháng 8 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Từ tháng 3 đến tháng 7 ngan nghỉ đẻ, thay lông.

Tuổi đẻ lần đầu của ngan khá muộn so với vịt và thay đổi lớn: Từ 6 tháng rưỡi đến 8 tháng rưỡi. Nếu cho ăn tốt thì ngan đẻ sớm hơn, nếu nuôi không tốt, ngan sẽ đẻ muộn.

Ngan thường đẻ theo lứa, trung bình đẻ 3-5 lứa trong một năm, mỗi lứa khoảng 15-16 trứng. Sau mỗi lứa đẻ, ngan ngừng đẻ để ấp. Ngan mái ấp rất khéo. Trên thực tế thường để tập trung cho ngan mẹ đẻ. Bà con thường dùng gà tây ấp thay ngan hoặc cho một số ngan mái khác ấp. Hoặc sử dụng máy ấp trứng Tuyên Quang để ấp trứng vịt xiêm. Trong lúc này bồi dưỡng thêm cho ngan bằng thức ăn giàu protein. Điều này giúp ngan hồi sức nhanh hơn và có thể đẻ tới 6 lứa trong một năm.

Thời gian khai thác đối với ngan đẻ trong vòng 3 năm. Tuy nhiên sản lượng trứng cao nhất là ở năm đẻ thứ nhất.

Ngan trống thành thục lúc 30-34 tuần tuổi. Khi đó ngan mái đã bước vào thời kỳ đẻ trứng 26-28 tuần tuổi.

Trên đây, máy ấp trứng Tuyên Quang đã trình bày với bà con các đặc điểm của ngan. Kính chúc bà con chăn nuôi ngan thành công.

Xem tiếp: Một số thức ăn thường dùng và tiêu chuẩn ăn của ngan

Nguồn: Cẩm nang chăn nuôi ngan – ngỗng – Nhà xuất bản nông nghiệp

Đánh giá post

Viết một bình luận